Ai ở nơi thành thị ngột ngạt cũng gắng tìm cho mình một góc tươi xanh, một chốn thoáng đãng như để bù đắp cho mình và gia đình, để giãn ra, chậm hơn, thư thái hơn, sau những giờ đầy ắp nhịp mưu sinh. Những khoảng trống, khoảng lặng, dù ở nơi phương xa, hay tạo ra ngay trong nhà mỗi người, vì thế mà trở nên có ý nghĩa hơn.
BẢN NHẠC KHÔNG CHỖ NGHỈ…
Việc thiết kế và sử dụng thiếu các khoảng trống hợp lý cũng tương tự như nghe bản nhạc triền miên không có chỗ lặng. Công trình trở nên bừa bộn chen chúc, người dùng mệt mỏi thậm chí không chịu nổi, nhà xây hoàn thiện rồi mà ngột ngạt theo kiểu đầy thì tràn… đều là những biểu hiện của việc quy hoạch, kiến trúc, nội thất thiếu vắng những khoảng trống có nghĩa.
Thường thì điều này bắt nguồn từ 2 nguyên do. Thứ nhất là thiếu vắng do muốn vận dụng tối đa diện tích. Thứ 2 là sự lạm dụng khoảng trống, cầu kỳ hóa và hình thức hóa khoảng trống, khai thác khoảng trống theo kiểu xếp đặt giả tạo khiến không gian giảm đi tính hữu dụng mà sa vào sự lãng phí và thiếu bền vững.
Nhìn gần ngôi nhà hơn, trước khi vào nhà phải có lề đường, rồi đến cổng và chỗ để xe hay sân, rồi mới đến không gian đón tiếp, chỗ chung trước, sau đó đến chỗ riêng, càng vào sâu thì tính riêng tư càng tăng lên. Thậm chí trong phòng riêng vẫn phải cần chỗ chuyển tiếp, như trước khi vào phòng tắm thì qua chỗ thay đồ, tủ hay giá treo móc đồ, gương soi… sẽ tiện ích hơn là bước vào ngay. Đó là những câu chuyện ngỡ nhỏ nhưng không nhỏ, nếu thiếu ý thức hiểu biết, không nghĩ ra thì sẽ không làm được chu đáo.
Khoảng trống có nghĩa trước mỗi công trình đôi khi không cần phải cầu kỳ xếp đặt, mà cần biết khiêm nhường để giữ sạch những góc nhìn thoáng đãng tinh khôi
Mỗi công trình kiến trúc dù lớn hay nhỏ sẽ trở nên hoàn hảo khi khai thác vẻ đẹp của sự quân bình giữa khoảng trống và hình khối. Kết cấu hài hòa làm nên tính chất đồng đẳng giữa hai hình thái tồn tại, ngỡ là hư không nhưng cũng rất hiện hữu. Do vậy cũng xin đừng hiểu khoảng trống là chỗ chừa trống, nơi mà ta có thể đặt bất cứ vật gì vào nếu muốn. Không, trạng thái cân bằng giữa khoảng trống và không gian bố trí sự vật luôn nằm trong mối tương tác của công trình kiến trúc, tương tự khoảng lặng trong tác phẩm âm nhạc luôn phải được cân nhắc chi li nhằm vươn tới tinh thần, trạng thái hài hòa, dễ chịu nhất khi tác phẩm vang lên giữa các phương tiện biểu hiện và những người đang lắng nghe.
Khi ấy, kiến trúc, cũng như âm nhạc, sẽ trở về đúng ý nghĩa nghệ thuật cống hiến cho cuộc sống, không tư lợi, không hì hục xếp đặt trên những mét vuông vô hồn.
_____________________________________________________________________________________________________
Tìm hiểu thêm thông tin