Một nơi chốn để trở về

Chúng ta thường ví von ngôi nhà là “chốn đi – về”, nhưng phải tự thú nhận rằng, sẽ có đôi lúc ta muốn “ở bên ngoài thêm tí nữa”. Ngôi nhà – nơi tái tạo năng lượng – không phải lúc nào cũng khiến ta muốn trở về sau một ngày dài mệt nhọc. Điều này nghe có vẻ không ổn, nhưng nhiều khi là một thực tế đáng suy ngẫm. Vậy, phải làm sao để ta có thể giữ cho ngôi nhà luôn là một nơi muốn “trở về”?

Khi không muốn về…

Chưa bao giờ giới trẻ nói nhiều về café đường phố, về những thú lang thang miền xa lạ, về nơi tụ tập, góc chém gió… nhiều như hiện nay. Còn khi nhìn về ngôi nhà riêng của mình, không ít người trẻ, gia đình trẻ đều bộc lộ sự e ngại về môi trường sống, hoài niệm quá khứ và mong mỏi có chút không gian để ngồi với nhau, hưởng chút gì đó thân quen đơn giản.

Nắm bắt tâm lý này, không ít quán xá hiện nay được thiết kế theo lối retro, vintage, tái hiện thời bao cấp,… nhằm đáp ứng đủ mọi nhu cầu hoài niệm, gắn kết, chia sẻ… của các tầng lớp thị dân. Nhưng đó vẫn là nơi quán xá, nơi để ghé và đi, không phải để “trở về”.

 

Để ngôi nhà là nơi “muốn về”… 

Với nhiều người trẻ, nhà không chỉ là tổ ấm mà còn là nơi khơi dậy nguồn cảm hứng trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đối với những người bận rộn, nhà cũng là nơi để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng nơi công sở. Còn trong mắt những cặp đôi mới cưới, nhà là nơi họ nuôi dưỡng tình yêu và một tương lai vững chắc. Vì vậy, cần xác định được mong muốn và nhu cầu nhà ở.

Một ngôi nhà không xác định được chỗ nào là quan trọng nhất thì sẽ rất khó tạo nên cái hồn riêng, khó định vị phong cách và cấu trúc không gian, và chỉ là ngôi nhà có đủ mọi thứ nhưng chung chung, nhạt nhòa, đi xa không nhớ nhà mình có gì đặc sắc thì sẽ chẳng muốn về.

Một không gian cụ thể mà ở đó cá tính gia chủ bộc lộ rõ nét nhất, sẽ làm cho ngôi nhà khác hẳn thứ đồng phục may sẵn áp vào cho tất cả mọi người. 

Để làm được điều này, ngay từ khâu thiết kế, ta cần nhận định rõ cá nhân, gia đình ta là ai, ta cần gì, và đưa vào bản vẽ thiết kế, để căn nhà được cá nhân hóa, là căn nhà của ta và chỉ ta.

Sân thượng Ngoài ra, những thiết kế hay bài trí nhà cửa cần đảm bảo yếu tố “sự kiện” được tổ chức tiện nghi, vui vẻ, ít xáo trộn đến nếp sinh hoạt ngày thường. Nhiều căn hộ hay nhà ống hiện nay theo kiểu “ngại” giao tiếp, bỏ phòng khách, chỉ còn làm nơi xem phim nghe nhạc của cá nhân, hoặc bỏ phòng sinh hoạt chung, chỉ còn tăng tiện nghi cho phòng riêng… dẫn đến tính kết nối gia đình giảm sút.

Khi cần tổ chức tiệc hay sum họp ở nhà sẽ không có diện tích và thiếu sắp xếp tiện ích phù hợp, đành rủ nhau ra ngoài quán. Tuy nhiên, sau những lần “ra quán” như vậy thì người già và trẻ em là hai đối tượng không vui. Người già lặng lẽ, tham dự cho có giữa đám thanh niên trẻ ồn ào náo nhiệt ở nơi xa lạ. Còn trẻ em thực sự cần tương tác với gia đình nhiều hơn. 

Dĩ nhiên không nhất thiết mọi thứ đều phải làm tại nhà, nhưng cần xác định rõ về mặt tổ chức không gian mỗi ngôi nhà nên có ít nhất một góc đoàn viên quây quần. Có thể là phòng khách, phòng thờ, khu bếp ăn, hay thậm chí là khoảng sân thượng kê được vài ghế, trang trí tùy theo sự kiện.

Nếu khéo bố trí thì “nhiệm vụ thiết kế” này hoàn toàn không quá khó, không quá tốn kém chi phí hay phải chăm sóc dọn dẹp thường xuyên, nhưng đem lại hiệu quả gắn kết khá thú vị mà nơi quán xá hay nhà hàng sang trọng cũng không thể thay thế được.

 


Tìm hiểu thêm thông tin

▪
▪
▪
_____________________
© CÔNG TY CỔ PHẦN NYC CORP
▪ Hotline: 0353.888.247
▪ Email: nycdecor.vn@gmail.com
▪ Xem thêm công trình tại:  [https://nycdecor.vn/cong-trinh/du-an/]
▪ Văn phòng: Nhà liền kề 02-D, A10, KĐT Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Từ khóa: , ,

Nhà máy sản xuất nội thất NYC Factory?

Các công trình tương tự

Menu